Nếu bạn phân vân không biết nên chọn loại máy tính nào, hoạt động ra sao thì dưới đây là những cách chọn mua máy tính có cấu hình khủng nhất.
Chip xử lý là điều cần quan tâm nhất
Mọi sức mạnh của laptop đều từ chip xử lý máy mà ra, khi chọn mua máy bạn cần để ý kỹ bảng thông số mà nhà sản xuất hoặc nơi bán ghi ra. Sẽ có 2 chỗ bạn cần lưu ý khi xem:
- Chip core i mấy.
- Core i thế hệ thứ mấy.
Máy có cấu hình thấp, tầm trung sẽ có chip: Celeron, Pentium, Core i3.
Máy có cấu hình khá và mạnh có chip: Core i5, Core i7.
Một số dòng máy sử dụng chip core M với một số ưu nhược điểm riêng biệt.
Đôi khi trong cùng một chip xử lý nhưng bạn sẽ bắt gặp các từ tiếng Anh khác nhau, những từ này chính là nói về thế hệ nâng cấp mới nhất của chip, thế hệ chip càng cao thì sức mạnh xử lý càng tốt. Thế nên nếu máy bạn dùng core i5 thế hệ 3 thì sẽ không thể chạy nhanh bằng máy khác cũng core i5 nhưng thuộc thế hệ thứ 7.
Tham khảo các thế hệ chip xử lý dưới đây và ghi nhớ để lưu ý khi chọn mua nhé (cập nhật 6/2017).
- Thế hệ 1: Nehalem.
- Thế hệ 2: Sandy Bridge.
- Thế hệ 3: Ivy Bridge.
- Thế hệ 4: Haswell.
- Thế hệ 5: Broadwell.
- Thế hệ 6: SkyLake.
- Thế hệ 7: KabyLake.
Ổ cứng lưu trữ HDD hay SSD
Ổ cứng lưu trữ hiểu đơn giản nó chính là chiếc USB để bạn cất dữ liệu. Hiện nay laptop sử dụng 2 loại ổ cứng đó là HDD và SSD với ưu và nhược điểm riêng biệt.
HDD chính là ổ cứng thông dụng nhất hiện nay do chi phí sản xuất thấp, giúp giá bán ra tốt hơn, dung lượng thông dụng nhất của HDD là 500 GB và 1 TB (~1024 GB). Tuy nhiên nó vẫn có những hạn chế nhất định như tỏa nhiệt nhiều, tốc độ lưu chậm...
SSD cũng là ổ cứng lưu trữ nhưng lại có giá thành cao hơn và thường xuất hiện trong các dòng máy có giá bán cao bởi ưu điểm giúp máy khởi động nhanh gấp đôi, thời gian lưu dữ liệu ngắn... Hạn chế của SSD chính là dung lượng vẫn còn khá thấp, phổ biến nhất là 128 GB và 256 GB, bộ nhớ càng nhiều, chi phí càng cao.
Nếu bạn muốn máy hoạt động nhanh, hãy tìm mua những chiếc laptop có ổ cứng SSD, hoặc để tiết kiệm bạn có thể mua máy có HDD nhưng hãy hỏi kỹ người bán hàng rằng bạn có thể thay HDD bằng SSD về sau khi có nhu cầu hay không.
Dung lượng và thế hệ RAM
RAM cũng chính là 1 trong những thành phần quyết định máy chạy nhanh hay chậm, RAM càng lớn máy chạy càng nhanh.
Bảng cấu hình RAM mà bạn cần lưu ý:
- RAM 4 GB, tức là máy đã có sẵn thanh RAM dung lượng 4 GB.
- Loại RAM, tức là thế hệ RAM nào, ví dụ RAM DDR3, DDR3L hay DDR4, bạn cần lưu ý kỹ nhé, nếu bạn muốn thay RAM thì bắt buộc phải mua đúng thế hệ RAM mà máy đang xài, nếu máy dùng RAM DDR3 mà bạn mua DDR4 thì máy sẽ không nhận.
*Khe RAM tức là máy có 1 khe hay 2 khe gắn, ví dụ bạn cần nâng RAM lên 8 GB thì với máy 1 khe gắn bạn phải tháo RAM cũ ra và mua RAM 8 GB gắn vào, nhưng với 2 khe gắn thì chỉ việc mua RAM dung lượng nhỏ hơn (tiết kiệm tiền hơn) và gắn vào khe 2 để xài chung với khe 1.
- Tốc độ BUS, thông số này bạn có thể bỏ qua.
- Hỗ trợ RAM tối đa, tức là số GB tối đa bạn có thể mua 1 RAM mới thay thế để máy hoạt động nhanh.
Card đồ họa rời hay tích hợp
Bạn cần chiếc máy mạnh để chơi game đồ họa đẹp, hay để học thiết kế đồ họa, vậy bạn cần lưu ý đến card đồ họa trong máy là rời hay tích hợp.
Card đồ họa tích hợp phổ biến hơn cả và xuất hiện trong rất nhiều dòng máy, nó sử dụng chung dung lượng RAM của máy để xử lý hình ảnh nên thường sẽ cho hình ảnh không được mượt mà bằng và khả năng xử lý hình ảnh 3D cũng không hoàn hảo.
Card đồ họa rời lại sử dụng dung lượng RAM riêng biệt, thường là 2 GB, để thực hiện nhiệm vụ xử lý ảnh trong game hay ứng dụng đồ họa, 2 thương hiệu card rời phổ biến là AMD và NVIDIA.
Trên đây là 4 lưu ý cho bạn khi lần đầu tiên quyết định chọn mua laptop có cấu hình mạnh, nếu bạn có những kinh nghiệm khác hãy cùng chia sẻ bằng cách bình luận ngay bên dưới bài viết nhé.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét